Đánh giá Star Ocean: The Second Story R – Trò chơi hấp dẫn không thể bỏ qua

0
31

Đánh giá Star Ocean: The Second Story R – một trong những trò chơi RPG hấp dẫn và đầy sáng tạo. Với câu chuyện phong phú, đồ họa đẹp mắt và hệ thống gameplay mang tính chiến lược, đây là tựa game mà bạn không thể bỏ qua. Hãy khám phá và trải nghiệm cùng những nhân vật độc đáo và thế giới kỳ diệu trong Star Ocean: The Second Story R!

Star Ocean: The Second Story R – Dòng game Star Ocean cũng là một dòng game có tuổi đời khá lâu, bắt đầu với bản đầu tiên vào năm 1996, được tri-Ace phát triển và phát hành bởi Enix.

Nói vậy, Star Ocean 2 – phiên bản thứ hai của dòng game – có thể nói là phiên bản ấn tượng nhất, tới mức có lẽ người hâm mộ Star Ocean nên chia làm hai loại: hâm mộ dòng game và hâm mộ chỉ mỗi Star Ocean 2.

Thực tế, Star Ocean 2 đã được “tái bản” một lần lên hệ máy Playstation Portable lấy tên Star Ocean: Second Evolution. Do đó người viết đã khá bất ngờ khi biết tựa game này sẽ… lại được tái bản lần nữa dưới cái tên Star Ocean: The Second Story R (sau đó người viết nhớ ra, game này của Square Enix, nên… không bất ngờ nữa)

Vậy, lần tái bản này như thế nào đây? Hãy cùng GameVoz tìm hiểu qua bài đánh giá sau, bạn nhé.

Nếu bạn đọc để ý, dạo gần đây GameVoz có sử dụng cụm từ “bình mới rượu cũ” tương đối nhiều, vì cơ bản hiện nay các hãng làm game rất, rất ưa chuộng việc “đào mộ” các tựa game cũ lên, “xào” lại một chút rồi đem bán với giá… 60 USD, thậm chí 70 USD!

Chẳng nói đâu xa, chính Square Enix là “đầu sỏ” trong việc này, với vô vàn các thể loại remake, remaster, reboot, v.v. Khá đáng tiếc, không ít “rượu cũ” ngon lại được đổ vào cái “bình mới” chẳng ra làm sao cả, hoặc “bình mới” được nặn cực kỳ đẹp mắt lại chứa “rượu cũ” tệ không thể khá hơn được.

Tính ra thì Star Ocean 2 là một trường hợp khá đặc biệt, vì tựa game này đã được “đổi bình” tới… hai lần, lần trước là một bản “remake” (làm lại) từ PlayStation 1 lên PlayStation Portable với cái tên Star Ocean: Second Evolution, mặc dù nhìn tổng thể thì có vẻ giống một bản “remaster” (tân trang) hơn là “remake”.

Tới năm nay, Star Ocean 2 lại được “remake” thêm lần nữa với cái tên Star Ocean: The Second Story R, và cũng may, với phiên bản lần này, “bình” đẹp còn “rượu” vẫn ngon!

Cũng như mọi phiên bản Star Ocean khác, Star Ocean: The Second Story R sẽ có sự pha trộn giữa yếu tố viễn tưởng, với một nền văn minh vũ trụ cực kỳ tân tiến giao thoa với một nền văn minh đang phát triển thấp kém hơn, chủ yếu kẹt ở thời đại Trung cổ, và vì Hiệp ước Bảo tồn Hành tinh Đang phát triển, người của nền văn minh cao cấp không có cách nào khác là đành tuân theo luật lệ của thế giới thấp kém.

Câu chuyện lấy bối cảnh năm 366 S.D (hay 2452 A.D), khi Trái đất đã trở thành một hành tinh phát triển khá tiên tiến, có thể tự do du hành trong vũ trụ tới những vì sao xa xôi. Người chơi sẽ theo chân anh chàng Claude C. Kenny, con trai của Ronyx Kennedy và Ilia Silvestri, hai nhân vật mà người chơi đã gặp trong Star Ocean 1.

Ronyx và Ilia thì là hai anh hùng của Trái đất rồi, ắt hẳn đẻ ra thằng con thì cũng phải có tí gì đó chứ? Hẳn vậy rồi, Claude thừa hưởng toàn bộ tính “trẻ trâu” và nông nổi của Ronyx, và trong một lần điều tra một tín hiệu lạ ở một hành tinh bị bỏ hoang, Claude – chính vì tính bộp chộp xốc nổi của mình – đã bị dịch chuyển tới Expel, một hành tinh Trung cổ và gặp cô bé Rena Lanford.

Trong lúc chiến đấu với quái thú, Claude “lỡ” dùng khẩu súng bắn laze của mình tàn sát hết mọi con quái vật trong tầm mắt, khiến Rena lầm tưởng anh chàng là đấng cứu thế, vị anh hùng ánh sáng sẽ cứu lấy Expel.

Cùng nhau, họ gặp gỡ những người bạn mới, khám phá ra những bí mật xung quanh Quả cầu Phép thuật đang gây hại cho toàn bộ Expel (trong khi Claude bị “trói tay” và không xài được tí công nghệ cao nào).

Tựu chung lại, cốt truyện của Star Ocean: The Second Story R vẫn như cũ, một cuộc hành trình JRPG cổ điển khá cơ bản, mấy thứ như kẻ xấu đứng sau kẻ xấu, sức mạnh tình bạn cứu cả đội, hành trình trưởng thành của Claude từ một thanh niên “ngáo đét” tới một người đàn ông trưởng thành biết suy nghĩ cho người khác, v.v.

Người viết đánh giá cốt truyện vẫn đủ hấp dẫn và giải trí, và mang đậm phong cách “Star Ocean” với sự giao thoa thú vị giữa các nền văn minh cách xa, giữa viễn tưởng và Trung cổ, nhưng nếu các bạn tìm một mạch truyện lắt léo đầy ắp những khúc cua bất ngờ, thì có lẽ Star Ocean: The Second Story R sẽ không đủ làm hài lòng bạn.

Nói vậy, điểm mạnh của Star Ocean: The Second Story R nằm ở khả năng tuỳ biến góc nhìn cốt truyện của người chơi. Ban đầu, người chơi có thể chọn lựa giữa việc chơi theo góc nhìn của Claude, biến Star Ocean: The Second Story R thành “mini Star Trek“. Hoặc, bạn có thể chơi dưới góc nhìn của Rena, và hiểu được tâm lý của một người dân thời Trung cổ đột nhiên thấy một nền văn minh tân tiến hơn gấp nhiều lần (và những cú sốc sau đó).

Có rất nhiều nhân vật có thể thu thập trong Star Ocean: The Second Story R (bạn hoàn toàn có thể bỏ lỡ gần hết số đó mà vẫn phá đảo – NV), và mỗi nhân vật không chỉ đơn thuần là party +1, họ mang đến cho cốt truyện những mảnh ghép mới, những góc nhìn mới, những mẩu chuyện ngoài lề đầy hấp dẫn và lôi cuốn, đem theo cả những tiếng cười và những khoảng lặng.

Những điều trên càng được củng cố với hệ thống Private Action trứ danh. Mỗi khi đội nhóm tới thành phố nào đó, người chơi có thể bật chế độ Private Action, và Claude/Rena (tuỳ theo lựa chọn người chơi) sẽ chạy quanh thành phố và tương tác với những thành viên trong đội.

Những mẩu chuyện PA này có thể cực kỳ hài hước, như Claude đứng ngoài nghe trộm Celine và Rena đang… “nghiên cứu” một số vấn đề của phụ nữ, hay một số có thể khá buồn, như một cô bé ốm ở thành phố cảng Hilton.

Không chỉ để coi cho vui, các PA này còn ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ giữa những nhân vật với nhau, ảnh hưởng tới cốt truyện và kết cục của các nhân vật. Về đại thể thì mạch truyện sẽ không thay đổi nhiều, thứ thay đổi là tương tác giữa tổ đội, và kết cục cuối cùng của các nhân vật.

Star Ocean: The Second Story R sở hữu một cốt truyện đủ hấp dẫn, và thêm vào đó là cơ chế tương tác giữa các nhân vật được thiết kế rất tốt, đủ khiến những người hâm mộ JRPG hài lòng

Ví dụ, bạn có thể cho Claude cưới Rena (có vẻ là “thuyền” canon của nhà phát hành), hoặc cho Claude cặp với Opera, hoặc nếu gu bạn thích “bromance” hoàn toàn có thể cho Claude đi với… Ashton. Chính nhờ cơ chế PA này đã khiến câu chuyện của Star Ocean: The Second Story R thêm phần gia vị, không bị gò bó, lại có tính chơi lại rất cao. Muốn trải nghiệm được hết các nhân vật thì bắt buộc phải chơi lại tối thiểu hai lần, vì có một số nhân vật khi vào đội sẽ khiến nhân vật khác không gia nhập nữa, như Ashton và Opera, hay Bowman và Precis.

Tựu chung lại, Star Ocean: The Second Story R sở hữu một cốt truyện đủ hấp dẫn, và thêm vào đó là cơ chế tương tác giữa các nhân vật được thiết kế rất tốt, đủ khiến những người hâm mộ JRPG hài lòng.

Tất nhiên, không thể không nhắc đến đồ họa của Star Ocean: The Second Story R. Square Enix và Gemdrops đã làm nên một tựa game cổ điển 2D-HD đẹp nhất trong những tựa game người viết từng chơi, vượt qua cả những Octopath Traveler hay Live A Live, với sự kết hợp hài hoà giữa nền nhân vật sprite 2D và môi trường 3D, được thể hiện đầy đủ với bóng đổ sắc nét và những đường vân chi tiết.

Khi bước chân ra ngoài thế giới, bạn thực sự cảm nhận được sự hùng vĩ và rộng lớn của Expel, thay vì chỉ là những nhân vật quá khổ chạy nhong nhong trên thảm cỏ xanh lét phẳng lỳ, mà thực sự khám phá những khu rừng rộng lớn, những ngọn núi cao bủa vây khắp xung quanh.

Nhờ vào sự nâng cấp này, những hầm ngục, thành phố cũng trở nên đẹp mắt, mang lại sự thích thú tìm tòi khám phá cho người chơi.

Điểm đáng chú ý là hệ thống chiến đấu đã được cải thiện rất tốt.

Hồi xưa, chơi mấy bản Star Ocean đầu đúng kiểu “spam” nút là chính, từ đầu tới cuối chỉ có bấm chém thật nhanh để giết địch trước khi bị giết.

Giờ đây, chiến đấu trở nên nhanh, mượt và mang tính chiến thuật hơn. Star Ocean: The Second Story R đưa vào thêm cơ chế Break, địch khi bị phá giáp thì chúng sẽ bị choáng một thời gian.

Sau đó, game có thêm cơ chế Perfect Dodge, gần giống Blindside của Star Ocean 4, cho phép người chơi né chính xác tại thời điểm bị tấn công để phản kích, vừa phá giáp của địch, vừa hồi 25% MP. Tuy nhiên, nếu né trượt thì sẽ bị choáng, do đó người chơi cần phải cẩn thận và nắm chắc thời gian né!

Tiếp theo, chúng ta có Bonus Gauge, khi người chơi đánh bại càng nhiều quái vật, thanh này sẽ tăng, mang lại hiệu ứng tích cực cho tổ đội tuỳ theo đội hình, giúp các trận chiến trở nên nhanh và đỡ buồn tẻ hơn.

Cuối cùng, ta có Assault Action, căn bản là… gọi nhân vật tới từ các Star Ocean khác, hoặc các nhân vật dự bị để tham gia vào trận chiến. Người viết đã khá bất ngờ và thích thú khi lần đầu triệu hồi ra công chúa Laeticia Aucerius từ Star Ocean 6, và đã tự đặt một mục tiêu mới khi đánh giá Star Ocean: The Second Story R: thu thập đủ tất cả các nhân vật từ các phiên bản Star Ocean khác.

Nhờ những cải tiến kể trên, chiến đấu trong Star Ocean: The Second Story R không bị trở về lối mòn buồn tẻ chỉ có “spam X” để thắng, mà ngược lại trở nên nhanh, mạnh và vui hơn rất nhiều.

Star Ocean: The Second Story R đem lại rất nhiều đổi mới từ đồ hoạ, lối chơi, cơ chế hệ thống, khiến cho trải nghiệm của game trở nên vô cùng dễ chịu và giải trí

Không chỉ giới hạn ở đồ họa và chiến đấu, Gemdrops đã cải tiến nhiều hệ thống cốt lõi như chế tác đồ, đưa vào nhiều chỉ dẫn trên bản đồ khiến game dễ chơi hơn.

Hồi trước, người viết cảm thấy việc chơi Star Ocean: Second Evolution trên PSP thực sự rất khổ, căn bản nếu không xem hướng dẫn thì chỉ có vừa đi vừa mò từng bước một mới không bị bỏ lỡ các PA, mà ngặt nỗi nếu bạn bỏ lỡ 1 PA thì có thể bạn sẽ bỏ lỡ hẳn một chuỗi PA kéo dài đằng sau nữa, và… bỏ lỡ luôn cả mấy cô nàng xinh đẹp như Opera hay Chisato.

Giờ đây, ở mỗi thành phố đều có danh sách các PA người chơi chưa xem, giúp người chơi dễ dàng nắm được tình hình tránh bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng.

Có thể sẽ có bạn đọc cho rằng điều này làm mất tính khám phá của game, tuy nhiên đó là do các bạn chưa phải đi mò từng ngóc ngách của mọi thành phố mỗi lần chơi mà thôi! Game khác người viết có thể đồng ý với các bạn, nhưng riêng với Star Ocean: The Second Story R người viết hoàn toàn ủng hộ quyết định này của nhà phát triển, khiến tựa game trở nên dễ chơi, dễ tiếp cận thoải mái hơn rất nhiều.

Nói tóm lại, Star Ocean: The Second Story R đem lại rất nhiều đổi mới từ đồ hoạ, lối chơi, cơ chế hệ thống, khiến cho trải nghiệm của game trở nên vô cùng dễ chịu và giải trí.

Bản gốc của Star Ocean 2 đúng là một nông trại thực thụ, nếu bạn không “cày” kinh nghiệm, “cày” điểm Speciality, “cày” chỉ số thì đừng hòng vượt qua được một số quái trùm mạnh… tới mức bất công!

Trong Star Ocean: The Second Story R, mặc dù đã “tém tém” lại một chút với các hệ thống bổ trợ như Bonus Gauge và Assault Action, về căn bản người chơi vẫn phải “cày” vì mức chênh lệch giữa cấp độ quái vật của các giai đoạn cốt truyện là khá lớn.

Có lần người viết khá tự tin khi thoải mát “1-hit” (đánh phát chết liền) toàn bộ quái vật trong một hầm ngục, lao vào trận chiến với quái trùm như một vị thần mà không thèm lưu game, để rồi bị… “1-hit” chết cả đội trong sự ngỡ ngàng của người viết (cũng may là giờ đây game có chế độ tự động lưu nên cũng không tới nỗi bị “bay” mấy tiếng đồng hồ như Final Fantasy III).

Đó là lời cảnh tỉnh cho những game thủ chủ quan mà bỏ bê “cày cuốc” trong Star Ocean: The Second Story R, cuối cùng thì đây vẫn là một tựa game JRPG cổ điển, và tốt xấu gì bạn… vẫn sẽ phải cày mà thôi.

Cũng may mắn, cày cuốc trong game tương đối dễ chịu và nhanh nhờ những cải tiến kể trên, không kể tới đồ họa nhìn rất thuận mắt, và tới khi bạn đạt được một số Super Speciality cực kỳ bá đạo thì việc cày này trở thành “nước chảy mây trôi”, không còn bị gò bó như bản gốc nữa!

mặc dù đã “tém tém” lại một chút với các hệ thống bổ trợ như Bonus Gauge và Assault Action, về căn bản người chơi vẫn phải “cày” vì mức chênh lệch giữa cấp độ quái vật của các giai đoạn cốt truyện là khá lớn

Square Enix đưa ra một quyết định khá kỳ lạ đối với bản lồng tiếng tiếng Nhật mới, đó là họ đã… mời những người lồng tiếng của phiên bản gốc (PlayStation 1) để lồng tiếng lại. Tuy nhiên, cần chú ý là đã hơn 20 năm trôi qua, giọng của những diễn viên này không còn được như xưa. Thành thử, ai cũng nghe như “ông già bà cả” hết trơn. Rena mới chỉ là một cô bé 17 tuổi mà nghe như… bà mẹ chồng trong phim “Sống chung với mẹ chồng” vậy, Claude thì khỏi nói, già hơn cả bố!

Thật may, người chơi có lựa chọn sử dụng phiên bản lồng tiếng của bản làm lại đầu tiên (PlayStation Portable), nghe dễ chịu và hợp lý hơn rất nhiều. Đổi lại, người chơi sẽ bị mất một số đoạn lồng tiếng ở một số khu vực.

Người chơi hoàn toàn có thể “trộn” giữa hai loại lồng tiếng – cũ và mới – với nhau, cụ thể là game cho phép cài đặt phiên bản lồng tiếng cho từng nhân vật chứ không bao trùm cả game.

Ví dụ, bạn không thích Rena mới nhưng lại thích Claude mới, như vậy bạn có thể đặt Rena có giọng của bản PSP còn Claude có giọng của bản “remake” (thiệt tình mấy game “remake” ra sau nên học tập cơ chế này!)

Một điểm khác là những bản nhạc được remix lại, có bản hay, có bản thì nghe xong… không nhận ra được bản gốc nữa! Về tổng thể thì có một số bài nghe cũng được, nhưng có một số bài vốn khắc sâu vào tiềm thức của người viết lại không nhận ra nổi, do đó đây cũng sẽ tùy vào sở thích của mỗi người.

Cũng như lồng tiếng, người dùng có thể lựa chọn sử dụng âm nhạc gốc hoặc bản remix trong trình đơn, tuỳ theo khẩu vị mỗi người.

đã hơn 20 năm trôi qua, giọng của những diễn viên này không còn được như xưa. Thành thử, ai cũng nghe như “ông già bà cả” hết trơn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận